BỆNH LẬU – Chẩn đoán và điều trị

BỆNH LẬU

LẬU

I. Các biểu hiện của lậu ở nam/nữ

Thời gian ủ bệnh ở nam giới trung bình 3-5 ngày, ở nữ giới dài hơn, trung bình 5-7 ngày. Trong thời gian ủ bệnh, người bệnh không có biểu hiện nhưng vẫn có khả năng gây bệnh.

Sau thời gian ủ bệnh, nam giới sẽ có các biểu hiện của viêm niệu đạo là tiết dịch niệu đạo và tiểu buốt. Dịch niệu đạo thường là mủ màu trắng đục hoặc vàng xanh hoặc dịch nhầy, đặc biệt vào buổi sáng lượng mủ chảy ra nhiều hơn. Bệnh nhân bị tiểu buốt, có thể tiểu rắt, tiểu khó kèm theo sốt, mệt mỏi. Ngoài ra, bệnh nhân còn cảm thấy ngứa, sưng đau bộ phận sinh dục.

Biểu hiện của lậu ở nữ giới thường không rõ rệt, thậm chí có thể không có biểu gì nên họ không biết mình bị bệnh làm tăng nguy cơ lây truyền cho người khác. Lậu gây viêm cổ tử cung và viêm niệu đạo ở nữ, với các biểu hiện đái buốt, nhiều mủ màu trắng đục hoặc vàng xanh chảy ra từ niệu đạo hoặc cổ tử cung, mùi hôi. Bệnh nhân đau bụng dưới và đau khi giao hợp. Khám thấy cổ tử cung đỏ, phù nề, chạm vào chảy máu, mủ chảy ra từ ống cổ tử cung, niệu đạo đỏ, có mủ chảy ra hoặc có khi chỉ có dịch đục.

Lậu trực tràng và lậu hầu họng cũng có thể gặp nhưng phần lớn không có triệu chứng, có thể đau hoặc tiết dịch ở hậu môn trực tràng hay viêm họng.

II. Các xét nghiệm chẩn đoán lậu

Hiện nay, có 3 phương pháp xét nghiệm chẩn đoán lậu chủ yếu là nhuộm Gram, nuôi cấy và khuếch đại axit nucleic – NAATs.

Phương pháp đơn giản nhất, dễ làm và chi phí thấp là nhuộm Gram. Trên tiêu bản nhuộm thấy song cầu Gram âm hình hạt cà phê nằm trong hoặc ngoài bạch cầu, trường hợp lậu cấp thường có nhiều song cầu và đa số nằm trong bạch cầu, trường hợp lậu mạn thường ít song cầu và đa số nằm ngoài bạch cầu, gây khó phân biệt với các vi khuẩn không gây bệnh khác. Phương pháp này giúp chẩn đoán sơ bộ bệnh lậu, đặc biệt ở những bệnh nhân nam có triệu chứng điển hình, ở những bệnh nhân nam không triệu chứng chỉ khoảng 50-70% dương tính với nhuộm Gram, do vậy kết quả âm tính không loại trừ bệnh. Nhuộm Gram cũng có độ nhạy thấp với bệnh phẩm là dịch cổ tử cung (30-50%) và trực tràng.

Phương pháp chẩn đoán lậu chính xác nhất là NAATs với độ đặc hiệu và độ nhạy cao (độ nhạy trên 90%), có thể sử dụng nhiều loại bệnh phẩm như nước tiểu, dịch niệu đạo và dịch âm đạo, dịch cổ tử cung, bệnh phẩm trực tràng và hầu họng thường có độ nhạy thấp. Với các kĩ thuật NAATs khác nhau thì độ nhạy cũng khác nhau, phổ biến nhất là Realtime PCR đa mồi (kết hợp với chẩn đoán Chlamydia). Nhưng phương pháp này chỉ phát hiện được sự có mặt của vi khuẩn hay không mà không cung cấp được thông tin về tính nhạy cảm với kháng sinh của chủng vi khuẩn gây bệnh.

Do vậy, nuôi cấy và kháng sinh đồ để xác định sự nhạy cảm với kháng sinh của vi khuẩn lậu phân lập được là rất quan trọng, đặc biệt trong những trường hợp điều trị theo phác đồ thất bại (sau điều trị triệu chứng không giảm hoặc nuôi cấy/PCR vẫn dương tính hoặc kháng sinh đồ giảm nhạy với cephalosporin) hoặc tái phát. Nuôi cấy phân lập lậu cầu trên môi trường Thayer-Martin chứa vancomycin cũng là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh lậu. Vị trí lấy bệnh phẩm có tỉ lệ dương tính cao nhất là niệu đạo ở nam và cổ tử cung ở nữ. Để kết quả xét nghiệm được chính xác thì cần phải lấy bệnh phẩm, bảo quản và vận chuyển đúng cách:

  • Dùng que cán nhựa với đầu bông sợi tổng hợp hoặc bán tổng hợp để lấy bệnh phẩm, không dùng que cán gỗ đầu bông tự nhiên để tránh ức chế hoặc gây độc cho vi khuẩn.
  • Đưa que lấy bệnh phẩm vào sâu 2-3cm vào niệu đạo nam hoặc 1-2cm vào ống cổ tử cung, xoay 2-3 lần.
  • Mẫu có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng và được chuyển đến phòng xét nghiệm trong ngày.

Khi thực hiện xét nghiệm lậu, nhân viên phòng xét nghiệm thường gặp những câu hỏi như: Lấy mẫu ở đâu và lấy như thế nào? Kết quả này thì khả năng bị bệnh hay không bị bệnh ra sao? Lậu là con gì? Tại sao lại bị lây trong khi chỉ quan hệ với vợ/người yêu? Bệnh có điều trị dứt điểm được không? Bệnh này có ảnh hưởng gì đến sinh hoạt tình dục và khả năng sinh sản?… Để có thể tư vấn tốt cho bệnh nhân cũng như trả lời những câu hỏi liên quan đến xét nghiệm của bác sĩ lâm sàng, nhân viên xét nghiệm cần nắm chắc quy trình xét nghiệm và hiểu kết quả.

Ngoài 3 phương pháp kể trên, test nhanh cũng có thể được sử dụng. Ưu điểm của phương pháp này là dễ thực hiện, chi phí không cao, cho kết quả nhanh nhưng kết quả chỉ mang tính tham khảo, để chẩn đoán chính xác bệnh nhân cần làm thêm các xét nghiệm khác. Hiện nay, có nhiều loại test nhanh dành cho lậu nhưng phổ biến là que thử của ABON – Gonorrhea Rapid Test Device (Swab). Bộ kít gồm que thử được đóng trong túi riêng, ống nhỏ giọt dùng 1 lần, 1 lọ chất phản ứng A và 1 lọ chất phản ứng B (2 lọ này dùng chung cho cả hộp), que tăm bông.

Bệnh phẩm là mẫu phết cổ tử cung ở nữ giới hoặc mẫu phết niệu đạo ở nam giới.

Cách dùng:

  • Nhỏ 6 giọt (300µl) chất phản ứng A vào ống dùng 1 lần, sau đó cho que tăm bông đã lấy bệnh phẩm vào và xoay 15 lần, đợi 2 phút
  • Tiếp theo, nhỏ 4 giọt (200µl) chất phản ứng B vào ống và xoay 15 lần, bỏ que tăm bông ra khỏi ống và lắp đầu nhỏ giọt lên.
  • Nhỏ 3 giọt (100µl) từ ống vào giếng S của khay test, đợi 10 phút rồi đọc kết quả.

Phiên giải kết quả:

  • Dương tính: Khi xuất hiện cả 2 vạch chứng C và vạch thử T. Vạch T có thể đậm hoặc mờ.
  • Âm tính: Chỉ xuất hiện 1 vạch chứng C.
  • Không xác định: Không xuất hiện vạch chứng C, khi đó cần làm lại xét nghiệm hoặc liên hệ với nơi cung cấp sản phẩm.

Theo công bố của nhà sản xuất, đối với bệnh phẩm là dịch cổ tử cung nữ thì độ nhạy và độ đặc hiệu lần lượt là 91,5% và 96,1%; đối với bệnh phẩm là dịch niệu đạo nam thì độ nhạy và độ đặc hiệu lần lượt là 89,2% và 96,5%.

Dương tính giả có thể gặp do nhầm lẫn mẫu, que thử không được bảo quản tốt hay quá hạn sử dụng, đọc kết quả không đúng thời gian quy định. Âm tính giả có thể gặp do nhầm mẫu, không lấy mẫu đúng đủ, que thử không được bảo quản tốt, quá hạn. Để hạn chế tình trạng này, nhân viên xét nghiệm cần làm đúng theo quy trình và bảo quản sinh phẩm đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nên lấy mẫu vào buổi sáng khi bệnh nhân chưa đi tiểu cũng giúp hạn chế âm tính giả.

Sau khi điều trị lậu, nếu hết triệu chứng (sau khoảng 3-5 ngày) thì không cần xét nghiệm lại. Nếu còn nghi ngờ, bệnh nhân cần được làm PCR (âm tính sau 1 tuần) hoặc nuôi cấy (âm tính sau khoảng 3 ngày) để xác định. Không nên làm lại xét nghiệm test nhanh vì không có nhiều ý nghĩa.

III. Nguy cơ tái phát

Bệnh lậu có thể tái phát, nguyên nhân thường do bệnh nhân không tuân thủ điều trị như không dùng thuốc đúng đủ liều hay vẫn quan hệ tình dục trong quá trình điều trị.

IV. Biến chứng nguy hiểm

Nếu nhiễm lậu cầu không được điều trị có thể gặp các biến chứng, nặng nhất là vô sinh.

Nam giới thường bị viêm mào tinh hoàn một bên với các biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau kèm sốt, mệt mỏi, nếu viêm cả hai bên có thể gây vô sinh, có thể viêm tuyến tiền liệt, viêm túi tinh và ống dẫn tinh.

Nữ giới có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng như viêm tiểu khung, viêm nội mạc tử cung, viêm vòi trứng và áp xe vòi trứng, chửa ngoài tử cung, hay vô sinh. Ngoài ra, viêm tuyến Skène, tuyến Bartholin, viêm hậu môn, trực tràng cũng có gặp. Nếu người mẹ đang mang thai mà nhiễm lậu thì bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình chuyển dạ gây lậu mắt ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc mắt do lậu với các biểu hiện chảy mủ mắt, sưng mí mắt, nếu không điều trị kịp thời có thể dấn đến loét, sẹo giác mạc và mù.

Bệnh cũng gây đau khi quan hệ ở cả nam và nữ.

V. Phương pháp điều trị phổ biến

Nguyên tắc điều trị

– Điều trị sớm.

– Điều trị đúng phác đồ.

– Điều trị đồng nhiễm Chlamydia.

– Điều trị cả bạn tình. Tất cả bạn tình có quan hệ tình dục với bệnh nhân trong vòng 60 ngày cần được khám và điều trị. Nếu lần quan hệ tình dục gần nhất trên 60 ngày thì điều trị bạn tình của lần quan hệ gần nhất.

– Không quan hệ tình dục, không làm thủ thuật tiết niệu trong thời gian điều trị và trong vòng 7 ngày sau khi kết thúc điều trị.

– Xét nghiệm huyết thanh giang mai và HIV trước và sau khi điều trị.

– Chủ yếu điều trị ngoại trú, chỉ điều trị nội trú trong trường hợp có biến chứng.

 

Điều trị cụ thể

– Tốt nhất là dựa vào kháng sinh đồ.

– Nếu không có kháng sinh đồ, chọn một trong các phác đồ sau:

+ Ceftriaxon 250 mg, tiêm bắp, liều duy nhất

+ Spectinomycin 2 g, tiêm bắp liều duy nhất

+ Cefixim 400 mg, uống liều duy nhất

– Kết hợp azithromycin 1g uống liều duy nhất để điều trị đồng nhiễm Chlamydia.

– Phác đồ này được áp dụng cho cả phụ nữ mang thai, nhưng cần được theo dõi chặt chẽ.

– Điều trị viêm kết mạc mắt do lậu cầu ở trẻ sơ sinh, lựa chọn một trong các phác đồ sau:

+ Ceftriaxon 50 mg/kg (tối đa 150 mg), tiêm bắp liều duy nhất

+ Kanamycin 25 mg/kg (tối đa 75 mg), tiêm bắp liều duy nhất

+ Spectinomycin 25 mg/kg (tối đa 75 mg), tiêm bắp liều duy nhất.

* Chú ý theo dõi các tác dụng không mong muốn của thuốc.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Quyết định 5165/QĐ-BYT ngày 09/11/2021 của Bộ Y tế về việc Ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh lậu.
  2. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. https://vncdc.gov.vn/benh-lau-nd14527.html
  1. Recommendations for the Laboratory-Based Detection of Chlamydia trachomatis and Neisseria gonorrhoeae — 2014 https://www.cdc.gov/std/laboratory/2014labrec/recommendations.htm
  1. https://health.mo.gov/lab/gonorrhea.php

 

Biên soạn: BS Lê Thị Thu Thảo

=====

Mời các bạn đọc thêm thông tin trên trang web https://dochieuxetnghiem.com và gửi câu hỏi thắc mắc cho chúng tôi theo địa chỉ Email dochieuxetnghiem@gmail.com, Zalo 0936186390.

Tin Liên Quan